Ngành xây dựng luôn là một trong những ngành mũi nhọn trọng điểm của nền kinh tế. Ngành xây dựng phát triển sẽ đem đến nhiều lợi ích cho nhiều ngành khác trong hệ sinh thái tăng trưởng cộng hưởng.
Trong năm 2023 ngành xây dựng dự đoán nhận nhiều tín hiệu tích cực từ mảng xây dựng hạ tầng và xây dựng công nghiệp. Do đó, có thể thấy rằng ngành xây dựng đang đón nhận nhiều cơ hội bứt phá cho các doanh nghiệp nhờ mạng lưới sản xuất toàn cầu đang có sự dịch chuyển và Việt Nam đã nổi lên như một điểm đến hàng đầu cho các Công ty thiết lập cơ sở công nghiệp và sản xuất.
Tổng quan ngành
Đánh giá về môi trường đầu tư, kinh doanh ngành xây dựng trong năm nay so với năm trước
Đánh giá về môi trường đầu tư, kinh doanh của ngành xây dựng trong năm 2023, hầu hết các doanh nghiệp lo ngại những khó khăn và giữ thái độ thận trọng hơn năm trước khi thị trường có sự phân hóa mạnh giữa các lĩnh vực:
-
Xây dựng năng lượng và tiện ích chưa có nhiều chuyển biến rõ rệt so với năm trước. Trong đó, xây dựng nhà ở và xây dựng thương mại chưa chuyển biến tích cực khi nhu cầu xây dựng ở phân khúc này chưa cải thiện và áp lực cạnh tranh tăng cao.
-
Tín hiệu tích cực trong năm nay đến từ mảng xây dựng hạ tầng và xây dựng công nghiệp. Đối với nhóm doanh nghiệp xây dựng hạ tầng (đặc biệt các dự án cao tốc) dù còn tác động của chi phí đầu vào cao do các loại vật liệu chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi phí như đất đắp, cát san nền,... vẫn duy trì xu hướng tăng giá, song vẫn được kỳ vọng có sức bật từ đầu tư công.
Giai đoạn 2023 - 2024 dự báo sẽ là cao điểm giải ngân đầu tư công, mang đến nguồn việc lớn cho các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng.
Theo báo cáo từ Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), các doanh nghiệp ngành xây dựng trong năm 2022 ghi nhận khối lượng công việc giảm sút, chỉ trừ xây dựng công nghiệp - chiếm 10% - vẫn duy trì ổn định. Trong bức tranh năm 2023 này, xây dựng công nghiệp vẫn sẽ là mảng sáng hỗ trợ tăng trưởng toàn ngành, với 66,7% doanh nghiệp đặt niềm tin vào một triển vọng sáng sủa hơn.
Thời gian tới, các nguyên liệu thép/tôn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu chi phí xây dựng công nghiệp đang dần ổn định, biên lợi nhuận lĩnh vực này dự kiến sẽ có sự cải thiện khi hợp đồng với các nhà cung cấp được điều chỉnh theo đơn giá mới.
Bên cạnh đó, động lực đến từ nhu cầu xây dựng nhà xưởng, hạ tầng khu công nghiệp bùng nổ khi nhiều tập đoàn hàng đầu khẳng định cam kết đầu tư nhiều hơn cho nước ta.
Phân tích thông tin và thống kê số liệu liên quan về ngành
Theo báo cáo phân tích của FPTS, dự phóng tăng trưởng thực của ngành xây dựng năm 2023 sẽ đạt 7,8%, trong đó mảng xây dựng nhà ở đạt 6%, nhà không để ở đạt 7,5% và cơ sở hạ tầng đạt 10%.
Tăng trưởng thực dự phòng ngành xây dựng việt nam năm 2023
Trong năm 2022-2023, nhu cầu đầu tư xây mới có sự phân hóa giữa các mảng xây dựng. Giải ngân vốn đầu tư công là động lực quan trọng cho tăng trưởng của xây dựng cơ sở hạ tầng trong năm 2023:
-
Từ kế hoạch đầu tư công năm 2023 được quốc hội thông qua với tổng số vốn trên 700 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 25% (khoảng 140 nghìn tỷ đồng) so với kế hoạch năm 2022 và tăng khoảng 260 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch năm 2021 (năm đầu tiên của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025).
Tiến độ giải ngân đầu tư công
- Tiến độ giải ngân đầu tư công năm 2022 chỉ đạt 52,43% do nhiều dự án phải dừng thi công bởi chi phí đầu vào tăng quá cao và các vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Nhưng dự kiến sẽ cải thiện và tăng cao từ năm 2023.
Điểm nổi bật
Xây dựng hạ tầng và công nghiệp là điểm sáng của ngành trong năm 2023
So với xây dựng dân dụng, lĩnh vực xây dựng hạ tầng và công nghiệp là điểm sáng với kết quả tích cực nhờ các yếu tố:
– Quy mô vốn FDI thực hiện tăng mạnh trở lại từ đầu năm 2022 khi:
-
Việc đi lại, ký kết hợp đồng với khách hàng nước ngoài khôi phục khi các đường bay quốc tế được nối lại.
-
Nhiều khu công nghiệp hoàn tất chuẩn bị mặt bằng và sẵn sàng cho thuê.
-
Kế hoạch đầu tư nhà máy, nhà xưởng của các doanh nghiệp nội địa được đẩy mạnh sau khi lệnh giãn cách được dỡ bỏ và đón đầu nhu cầu phục hồi của nền kinh tế.
– Hiệu quả về dòng tiền tại các dự án nhà xưởng, kho bãi và hạ tầng khu công nghiệp là vượt trội hơn do:
-
Thời gian xây dựng ngắn.
-
Các Chủ đầu tư (đặc biệt khối FDI) thường có nguồn tài chính dồi dào và ứng trước phần lớn nhu cầu vốn theo tiến độ.
Trong năm 2023 , theo dự kiến nhiều chuyên gia, thì ngành xây dựng sẽ không phải chịu nhiều áp lực về nguyên vật liệu khi giá thép đang có xu hướng giảm từ quý 3.2022. Do nhu cầu về thép thế giới thấp vì chịu ảnh hưởng từ lạm phát, xu hướng thắt chặt tiền tệ; đồng thời thị trường bất động sản đang dần phục hồi, chuỗi cung ứng đang dần nối lại.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2021 -2030, nhiều địa phương đã có những định hướng mở rộng mạnh mẽ, thành lập các trung tâm hành chính – kinh tế mới nhằm thu hút các hoạt động về việc phát triển các dự án giúp đem lại nguồn việc lớn cho các doanh nghiệp.
Song song đó, điều kiện cho hoạt động thi công các công trình sẽ được cải thiện đáng kể trong năm 2023:
– Tính đến cuối Quý 3/2022 lực lượng lao động về cơ bản đã trở về mức ổn định.
– Chu kỳ thời tiết dự báo chuyển sang trạng thái El Nino (với đặc điểm ít mưa) từ năm 2023, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thi công, đặc biệt tại các dự án hạ tầng giao thông.
Các gói thầu xây lắp mới trong chu kỳ đầu tư 2021-2025 sẽ tập trung nhiều hơn cho các doanh nghiệp có quy mô và tiềm lực tài chính lớn. Điều này đến từ việc:
– Quy mô mỗi gói thầu xây lắp cao hơn đáng kể so với chu kỳ đầu tư trước do chủ trương không chia nhỏ các gói thầu để quản lý chất lượng và lọc bỏ các nhà thầu năng lực yếu.
– Các nhà thầu có nguồn lực tài chính tốt sở hữu nhiều lợi thế trong việc:
-
Duy trì hoạt động mua vật liệu và đảm bảo tiến độ xây dựng ngay cả khi giá thị trường diễn biến bất lợi.
-
Có vị thế tốt để đàm phán với các nhà cung cấp.
Từ đó có thể thấy rằng trong năm 2023 này thị trường của ngành xây dựng đang có nhiều triển vọng bứt phá cho nhiều doanh nghiệp xây dựng góp phần nâng cao hiệu quả trong việc vận hành đổi mới tối ưu chi phí, nguồn lực.